9 Tháng Tư, 2018 VP THỪA PHÁT LẠI QUẬN 1 0 bình luận

Thừa phát lại – Nghề mới trong đời sống xã hội hiện nay

Thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự đã quy định: “Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (thừa hành viên) tại một số địa phương.

Tên gọi “thừa phát lại” là một thuật ngữ có gốc Hán – Việt và có tính lịch sử, nó được tồn tại ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975. Tên gọi “thừa phát lại” đã đi vào tiềm thức của người dân phía Nam. Ngoài ra “Thừa phát lại còn được gọi dưới một số tên gọi khác như “thừa hành viên”, hay ở các tỉnh phía Bắc cũng có thời kỳ gọi là “mõ tòa”.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP thì Thừa phát lại được hiểu là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, Thừa phát lại thực hiện 4 công việc chính như sau: Tống đạt văn bản, giấy tờ của các cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án; Lập vi bằng; Xác minh điều kiện thi hành án và Trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự.

Từ những kết quả đáng khích lệ mà các Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được qua 3 năm triển khai thí điểm, góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án thông qua các hoạt động tống đạt văn bản, giấy tờ của các cơ quan; Xác minh điều kiện Thi hành án dân sự và trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự. Ngày 23/11/2012 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo đó chế định Thừa phát lại được tổ chức thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua kết quả tổng kết của Bộ, ngành, địa phương về thí điểm Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 đều cho thấy, Thừa phát lại đã trở thành một nghề, một chế định bổ trợ tư pháp mới, bổ trợ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp hiện nay, được người dân và xã hội đón nhận, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, trong hoạt động bổ trợ tư pháp; chủ trương của Đảng, của Nhà nước về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là đúng đắn, từ đó, Quốc hội đã giao chính phủ khẩn trương ban hành Luật Thừa phát lại.

Thừa phát lại. một nghề mới trong xã hội hiện nay?

Trong số 4 chức năng chính của Thừa phát được thực hiện theo quy định của phát luật hiện nay thì chức năng lập vi bằng đang là xu thế được người dân, tổ chức, cơ quan đón nhận mạnh mẽ nhất. Theo quy định, Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp pháp luật quy định Thừa phát lại không được làm; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Các vi bằng do Thừa phát lại lập trong thời gian qua là rất đa dạng, nhưng tập trung nhiều vào các sự kiện, hành vi liên quan đến tài sản (bất động sản), hàng hóa. Qua đó giúp cho người dân sử dụng vi bằng đó để chủ động làm chứng cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, chỉ với một chức năng này thôi của thừa phát lại, Thừa phát lại đã xác lập được một kênh mới trong việc tạo lập chứng cứ, vừa giúp cho người dân vừa làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc có tranh chấp. Như thế cũng tăng sự chủ động, giúp cho người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Chức năng tống đạt, văn bản và giấy tờ có liên quan của Thừa phát lại cũng hứa hẹn đem lại nhiều hiệu quả trong tương lai. Hiện nay, pháp luật chưa quy định các Văn phòng thừa phát lại được tống đạt văn bản của một số cơ quan tố tụng và cơ quan nhà nước khác như: Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Thanh tra… Tuy nhiên trong xu thế nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp và thậm chí từ các cơ quan hành chính trong việc tống đạt các văn bản, thông báo mang tính chất dân sự, tính chất hành chính (thông báo của cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa…) thì khi pháp luật mở rộng phạm vi, đối tượng các cơ quan được phép ủy quyền cho Thừa phát lại tống đạt văn bản thì sẽ vừa góp phần giảm đáng kể khối lượng công việc cho các cơ quan trên, góp phần không nhỏ vào sự giảm tải biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước và tinh giảm bộ máy nhà nước.

Trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính thì việc ra đời tổ chức Thừa phát lại là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Thừa phát lại tạo ra một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.