15 Tháng Tư, 2020 CÔNG TY LUẬT TNHH MẠNH HÙNG 0 bình luận

Giải quyết việc tuyên bố đã chết đối với người đang bị truy nã

Truy nã là việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn nhằm trốn tránh pháp luật.
Việc một người bỏ trốn ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan trong quan hệ pháp luật dân sự như: hôn nhân, thừa kế, hợp đồng…

Vậy khi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu giải quyết các quan hệ dân sự đối với người đang bị truy nã, cụ thể: yêu cầu Tòa án tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã thì thực tiễn hiện nay Tòa án giải quyết vấn đề này như thế nào để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Dẫn chiếu một số vụ việc cụ thể như sau:

Bà A có yêu cầu tuyên bố ông B là đã chết tại Tòa án nhân dân quận TB với lý do ông B đã bỏ nhà đi biệt tích đã 13 năm mà không có bất kỳ thông tin xác thực là còn sống, đã được Công an phường C (nơi cư trú cuối cùng của ông B) xác nhận.

Sau khi tiến hành đầy đủ các thủ tục về việc tìm kiếm ông B tại các phương tiện thông tin đại chúng như: thông báo tìm kiếm được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp với thời hạn thông báo là 04 tháng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đều không nhận được bất cứ thông tin nào xác thực ông B là còn sống.

Tòa án nhân dân quận TB tiến hành mở phiên họp sơ thẩm về việc tuyên bố ông B là đã chết. Nhưng sau đó, trong quá trình niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân phường C thì được biết ông B có Quyết định truy nã của Công an quận TB. Việc ông B trốn truy nã là nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự, nên không được coi là biệt tích theo quy định tại Điều 71 Bộ luật dân sự 2015. Do đó, Tòa án không chấp nhận yêu cầu tuyên bố ông B là đã chết.

Hay trong một vụ án khác như sau:

Năm 2012 gia đình của TQV có đơn yêu cầu TAND Quận 3 tuyên bố TQV, cùng vợ và 01 con gái của V là đã chết vì đã bỏ đi, không có tung tích từ năm 1996. Tòa án xác minh hộ TQV không cư trú tại địa phương và đã xóa hộ khẩu gốc cả hộ từ năm 1998.
Do đó, TAND Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh ra quyết định tuyên bố “là đã chết” đối với TQV cùng vợ và con của V.
Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra và một số tài liệu thể hiện: TQV là đối tượng bị truy nã thuộc vụ án “TĐ và đồng phạm, phạm tội buôn lậu hàng hóa qua biên giới, xảy ra tại Công ty TNHH TM TTS và một số công ty khác ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh”. TQV cùng đồng bọn thực hiện hành vi buôn lậu, đưa hối lộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng rồi bỏ trốn.

Ngày 10/10/1997 Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với TQV. Đến nay, quyết định truy nã TQV vẫn còn hiệu lực.

Như vậy, TQV vẫn đang là đối tượng bị truy nã, không thể được xem là biệt tích, nên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố TQV cùng vợ và con của V đã chết là không đúng quy định của pháp luật.

Từ những vụ việc nêu trên có thể thấy rằng:

Theo quy định tại Điều 64, 68, 71 Bộ luật dân sự 2015 thì việc tuyên bố một người là đã chết là do họ “biệt tích”, luật không quy định biệt tích là vì lý do gì. Do đó, việc một người bị truy nã không ảnh hưởng đến việc tuyên bố chết, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự để xem xét, giải quyết.
Mặc dù người đang bị truy nã đã được cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tìm kiếm hợp pháp, tích cực, triệt để nhưng vẫn không tìm thấy tung tích của người bị truy nã và không thể xác thực được người đó còn sống hay đã chết nhưng việc áp dụng các biện pháp tìm kiếm theo thủ tục tố tụng dân sự theo Điều 384, 385 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là bắt buộc.

Quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án là sự suy đoán về mặt pháp lý, sau khi Tòa án đã áp dụng đầy đủ các biện pháp tìm kiếm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, để đảm bảo quyền và lợi ích của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không có thông tin xác thực người đó còn sống hay đã chết.

Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự không thể căn cứ vào quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án để đình chỉ điều tra, đình chỉ giải quyết vụ án hình sự với lý do “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” bởi trong các giai đoạn của tố tụng hình sự thì khái niệm “Người phạm tội chết” phải là “chết tự nhiên” tức là chết thực tế, chết sinh học.
Như vậy việc tòa án tuyên bố chết đối với đối tượng đang bị truy nã không làm mất đi giá trị pháp lý của quyết định truy nã và không làm cơ sở để chấm dứt nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự của người bị kết án.

Tuy nhiên, khi có quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án có hiệu lực thì việc chia thừa kế sẽ được diễn ra, quyền sở hữu tài sản của người phạm tội sẽ được chuyển cho những người thừa kế.

Khi cơ quan điều tra bắt được đối tượng bị truy nã thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 73 Bộ luật dân sự 2015 thì: Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị hiện còn. Còn trách nhiệm hình sự của người này thì sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện theo quy định về tố tụng hình sự, những biện pháp về tài sản có thể áp dụng với người phạm tội (tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại…) không thể áp dụng đối với những người thân thích của người bị phạm tội do đó quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án có thể bị lợi dụng để tẩu tán tài sản phạm tội.

Từ phân tích trên có thể thấy rằng, việc Tòa án tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã không ảnh hưởng đến quyết định truy nã của cơ quan điều tra, nhưng việc giải quyết hệ quả của quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án lại ảnh hưởng đến việc thi hành trách nhiệm tài sản của người phạm tội. Điều này dẫn đến Tòa án không chấp nhận yêu cầu tuyên bố một người là đã chết đối với người đang bị truy nã.

Nhưng Bộ luật dân sự 2015 cũng đã đưa ra hướng giải quyết đối với trường hợp người bị tuyên bố chết còn sống theo Điều 73, do đó quyền lợi của người bị truy nã khi họ còn sống sẽ không bị ảnh hưởng. Và đặc biệt việc chấp nhận tuyên bố chết đối với người bị truy nã sẽ vẫn đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong mối quan hệ với người bị truy nã.

Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp trốn truy nã đến 20, 30 năm sau mới bị bắt, do đó nếu không có cơ chế giải quyết phù hợp sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên.

Do đó, rất cần một văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao trong việc thực hiện tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã.

Lsư tập sự. Phạm Thị Thùy Hương