Dùng giấy tờ giả ký công chứng xử lý hình sự được không?

Hiện nay, tình trạng sử dụng Giấy tờ giả ngày càng phức tạp, đặc biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền đối với đất (GCN).

Sử dụng giấy tờ giả là một hành vi vi phạm pháp luật khi nó được dùng để lừa dối, các cơ quan, tổ chức, công dân, gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, công dân này.

Việc dùng giấy tờ giả để ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất tại các tổ chức công chứng là một thực trạng rất đáng lo ngại, các hành vi này gây hậu quả bất ổn cho xã hội, gây mất lòng tin cho người dân, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng và đã trở thành nỗi ám ảnh của các Công Chứng viên.

Thời gian qua, các tổ chức công chứng đã phát hiện nhiều cá nhân sử dụng giấy tờ giả để công chứng chuyển nhượng nhà, đất. Khi phát hiện, tổ chức công chứng lập tức tạm giữ, báo ngay cho cơ quan công an và trong các vụ giả mạo giấy tờ để công chứng như thế này, quan điểm công chứng viên cho là “rõ ràng có dấu hiệu phạm tội” và mong muốn việc sử dụng giấy tờ giả để công chứng chuyển nhượng nhà, đất nhằm chiếm đoạt tài sản này phải bị xử lý hình sự để răn đe, nhưng công an thì cho biết “chỉ là dân sự”, và thực tế việc xử lý hình sự đối với người dùng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng rất ít khi bị xử lý.

Nguyên nhân? Theo quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng thì chỉ khi nào có đầy đủ căn cứ như: bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra mới xử lý được tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, và chỉ khi nào chứng minh được người bị hại đã bị thiệt hại tiền, tài sản thì mới sử lý hình sự được.

Vậy Dùng giấy tờ giả nhằm lừa đảo trong công chứng có xử lý hình sự được không?

Trong quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa như thế nào là “giấy tờ giả”, tuy nhiên, có thể hiểu, giấy tờ giả tức là những giấy tờ không phải là thật, không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp, mà được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm “đánh lừa” các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để chiếm đoạt tài sản hoặc phục vụ mục đích khác theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức đó.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi: cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng”.

Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối ở trường hợp ký công chứng chuyển nhượng nhà, đất được coi là dùng giấy tờ giả để thực hiện tội phạm của người phạm tội.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý người phạm tội. Nếu giấy tờ giả mà người phạm tội sử dụng cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 174 BLHS” và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Điều 341 BLHS”.

Về mặt lý luận, “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là tội cấu thành vật chất nhưng không vì thế mà cho rằng người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì không cấu thành tội này. Cũng như đối với các tội phạm cấu thành vật chất khác được thực hiện do cố ý, hậu quả chưa xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội. Nếu cho rằng đối với tội cấu thành vật chất, hậu quả chưa xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm, có lẽ BLHS cũng không cần quy định trường hợp phạm tội chưa đạt.
Do đó, Nếu người phạm tội đã chuẩn bị giấy tờ giả (công cụ, phương tiện phạm tội) đã giao dịch với người bị hại, đã thiết lập hợp đồng chuyển nhượng và hai bên đã ký vào hợp đồng này, khi công chứng viên kiểm tra toàn bộ hồ sơ công chứng để ký, thì phát hiện giấy tờ giả, người bị hại chưa giao tiền, thì trường hợp này được coi là phạm tội chưa đạt. Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 BLHS. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa sẽ áp dụng thêm Điều 15 BLHS (phạm tội chưa đạt).

Cơ quan tố tụng cần thay đổi nhận thức là khi đối tượng dùng giấy tờ giả yêu cầu ký công chứng với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác (số tiền thể hiện trong hợp đồng hai bên giao dịch) thì đây là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, do đó cần phải xử lý. Còn hành vi giả mạo bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời làm cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng không thực hiện được là nằm ngoài tính toán của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Ở đây chỉ cần căn cứ vào giá trị vật chất cụ thể mà đối tượng phạm tội mong muốn chiếm đoạt chứ không nên đợi đến khi hậu quả xảy ra mới xử lý.

Với nhận thức như vậy thì việc xử lý tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hay “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” không nhất thiết phải đợi hậu quả xảy ra mới xử lý đươc.

LS. Nguyễn Trung Tài