Tòa án đang giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà kho, chính quyền địa phương được quyền tháo dỡ công trình hay không?
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tồn tại rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc cho thuê bất động sản. Những tranh chấp này diễn ra rất phức tạp, đa dạng và khi giải quyết tranh chấp các bên rất khó để tìm được tiếng nói chung, bởi vì các lợi ích kinh tế mà các bên hướng đến và cách áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa thống nhất, còn nhiều lúng túng, lẫn lộn giữa các quan hệ pháp luật dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Hôm nay Công ty Luật TNHH Mạnh Hùng sẽ chia sẻ một số vụ án sau đây là một minh chứng cho thực trạng nêu trên.
Tranh chấp tại Tòa án
Ngày 15/4/2016, Công ty A, trụ sở tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và Công ty B có trụ sở tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng cho thuê kho bãi với diện tích thuê là 4.000 m2 tại quận C và thời hạn thuê 5 năm.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 18/4/2017, Công ty A khởi kiện Công ty B để yêu cầu Tòa án nhân dân quận C hủy bỏ hợp đồng cho thuê kho bãi, buộc Công ty B hoàn trả lại toàn bộ 4.000 m2 cho Công ty A.
Công ty B không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty A, đồng thời có đơn phản tố buộc Công ty A phải trả lại toàn bộ tiền cọc, bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thanh toán chi phí do Công ty B đã đầu tư xây dựng, sửa chữa đối với nhà kho đang thuê.
Xử lý vi phạm hành chính
Mặc dù việc xây dựng, sửa chữa nhà kho đã hoàn thành từ tháng 05/2016, nhưng theo đơn yêu cầu của Công ty A, ngày 11/12/2017, Ủy ban nhân dân phường D, lập Biên bản vi phạm hành chính đối với công trình Công ty B xây dựng, sửa chữa và yêu cầu Công ty B tháo dỡ.
Công ty B trình bày rõ hiện nhà kho này đang là đối tương tranh chấp tại Tòa án, nó là chứng cứ của vụ án nên không thể tháo dỡ.
Ngày 12/12/2017, Ủy ban nhân dân Ủy ban nhân dân phường D ban hành thông báo số 536/QĐ-UBND buộc Công ty B phải tháo dỡ nhà kho (công trình vi phạm).
Không đồng ý với UBND phường D, Công ty B gửi đơn đến UBND quận C đề nghị giải quyết.
Ngày 09/5/2019, UBND quận C ban hành văn bản số: 2371/UBND – TNMT khẳng định việc sử dụng đất giữa Công ty A và Công ty B là sự thỏa thuận dân sự dựa trên hợp đồng đã ký kết, hiện tại vụ việc đang được Tòa án thụ lý giải quyết. Do đó, Ủy ban nhân dân quận C yêu cầu các bên chờ phán quyết của Tòa án.
Tuy nhiên, ngày 03/6/2019, Ủy ban nhân dân phường D lại ban hành Thông báo về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, buộc Công ty B phải tháo dỡ công trình vi phạm trong thời gian 15 ngày kể từ ngày được thông báo.
Tháo dỡ hay giữ nguyên
Trong phạm vi bài viết này, tôi không bàn tới vấn đề về đúng, sai thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay quy trình, thủ tục xử lý vi hành chính mà vấn đề cần làm rõ ở đây là trong quá trình Tòa án đang giải quyết vụ án thì cơ quan chính quyền địa phương có được quyền buộc tháo dỡ công trình liên quan đến tranh chấp hay không?
Chứng cứ trong vụ án dân sự là một vấn đề vô cùng quan trọng. Liên quan trực tiếp đến việc xác định thẩm quyền, thời hiệu, chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố… Bộ luật tố tụng dân sự 2015 dành hẳn chương VII để quy định về chứng minh và chứng cứ.
Chính vì vai trò quan trọng của các chứng cứ trong việc giải quyết vụ án nên khoản 4 Điều 107 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Nghiêm cấm việc hủy hoại tài liệu, chứng cứ.”
Quay trở lại vụ án nêu trên, nhà kho mà Công ty B đã đầu từ cải tạo, sửa chữa trong thời gian thuê là chứng cứ quan trọng của vụ án, dùng để chứng minh cho yêu cầu phản tố của Công ty B là có căn cứ hay không, và là đối tượng để thực hiện thủ tục tố tụng như: Xem xét thẩm định tại chổ, định giá, đo vẽ hiện trạng…
Việc UBND phường buộc tháo dỡ công trình trước khi Tòa án giải quyết vụ án bằng bản án có hiệu lực là sẽ làm mất đi chứng cứ của vụ án mà không thể khôi phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên và làm cho Tòa án càng khó khăn hơn khi giải quyết tranh chấp.
Việc tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B là tranh chấp về kinh doanh thương mại, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, UBND phường biết vụ việc Tòa án đang giải quyết, nhưng lại cố tình giải quyết, là vi phạm Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Chính quyền địa phương biết nhà kho là chứng cứ của vụ án đang tranh chấp tại Tòa án nhưng lại cố tình buộc tháo dỡ là vi phạm quy khoản 4 Điều 107 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Do đó, trong trường hợp này UBND phường D cần phải thu hồi, hủy bỏ thông báo buộc Công ty B tháo dỡ công trình, giữ nguyên hiện trạng, chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND quận C “yêu cầu các bên chờ phán quyết của Tòa án”.
Khi gặp các trường hợp như trên bạn không cần lo lắng dẫn tới những vi phạm không đáng có. Hãy liên hệ đến Công ty Luật TNHH Mạnh Hùng.
Ls. Phạm Xuân Điện