9 Tháng tư, 2018 VP THỪA PHÁT LẠI QUẬN 1 0 bình luận

Giải đáp về “Vi bằng” trong hoạt động động Thừa phát lại

Văn Phòng Thừa Phát Lại Quận 1 chính thức được Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM cấp giấy phép thành lập số 1702/QĐ-UBND ngày 15/04/2010 và giấy phép đăng ký hoạt động số 41.01.0005/TP-TPL-ĐKHĐ cấp lần 3 ngày 18/10/2013 do thừa phát lại NGUYỄN THỊ HẠNH làm trưởng văn phòng, hoạt động tại: 117 Hàm Nghi, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM. – Phòng Truyền thông Manh Hung Group có cuộc trao đổi ngắn với Thừa phát lại Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng văn phòng Thừa phát lại Quận 1 về thuật ngữ “Vi bằng”, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

P/v: Một trong những văn bản quan trọng trong hoạt động Thừa phát lại là Vi bằng, bà vui lòng giới thiệu cụ thể về văn bản này?

Thừa phát lại Nguyễn Thị Hạnh: Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.HCM quy định “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.”

Tại điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định: “Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật.”

Như vậy để mọi người có thể hiểu một cách cụ thể và thực tế hơn thì:

Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi vằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Ngoài ra, trong thực tế, bạn có thể gặp trường hợp người khác nhờ bạn làm chứng cho một giao dịch hay một sự việc cụ thể (làm chứng cho di chúc miệng, làm chứng cho việc giao nhận tiền đặt cọc…). Khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp mời bạn lên với tư cách người làm chứng. Bạn sẽ mô tả lại những việc mà bạn chứng kiến có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của bạn có là chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần đối chất, kiểm tra lại. Còn Thừa phát lại khi lập vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả bằng văn bản, quay phim, chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết) tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Chính những yếu tố đó là ưu điểm tăng chứng cho vi bằng và luật quy định bản thân vi bằng có giá trị chứng cứ.

P/v: Để giúp người dân hiểu và phân biệt rõ hơn về Vi bằng, vậy Vi bằng có bao nhiêu loại?

Thừa phát lại Nguyễn Thị Hạnh: Hiện nay, có hai loại vi bằng cơ bản mà các Văn phòng Thừa phát lại lập đó là: Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và vi bằng ghi nhận hiện trạng. Dưới đây là 2 ví dụ về 2 loại vi bằng trên:

Ví dụ về vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi: Hiện nay, pháp luật không quy định giao dịch đặt cọc phải thực hiện thủ tục công chứng. Bạn muốn đặt cọc 100 triệu cho ông A để đảm bảo việc 2 bên giao kết hợp đồng mua bán căn nhà mà ông A đang ở. Bạn sợ với số tiền lớn như vậy mà việc đặt cọc chỉ có 2 bên sẽ có rủi ro pháp lý về sau? Bạn có thể đến VP Thừa phát lại để được tư vấn về việc lập vi bằng liên quan đến hành vi 2 bên ký tên vào hợp đồng đặt cọc và hành vi giao nhận tiền đặt cọc giữa 2 bên. Vi bằng này được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập.

Ví dụ về vi bằng ghi nhận hiện trạng: Bạn có 1 căn nhà nhưng không có nhu cầu ở. Bạn muốn cho công ty A thuê để kinh doanh nhưng bạn và công ty A đều không muốn sau khi chấm dứt hợp đồng, các bên lại có tranh chấp về các vật dụng trong căn nhà trên cũng như hiện trạng căn nhà? Bạn có thể đến Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn về việc lập vi bằng ghi nhận hiện trạng căn nhà trên trước thời điểm công ty A dọn vào làm việc. Vi bằng này được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Nếu sau này có phát sinh tranh chấp như tôi nói ở trên, Vi bằng này sẽ được sử dụng làm chứng cứ giải quyết tranh chấp.

Xin cảm ơn bà!